Cuộc thi Sáng tạo Robot (Robocon 2016) có chủ đề: “Đi tìm năng lượng sạch”, hướng tới việc sử dụng các nguồn năng lượng sạch và có thể tái tạo. Sau một thời gian nghiên cứu chủ đề, luật thi, xây dựng ý tưởng và các giải pháp công nghệ để bắt tay vào thiết kế chế tạo, đến nay, 04 đội tuyển đã dần hoàn tất các bước để chuẩn bị ra mắt sản phẩm robot hoàn chỉnh. Có đội đã hoàn thành xong và đi vào luyện tập, thi đấu thử để chuẩn bị cho trong vòng thi đấu cấp trường.
Được biết để chuẩn bị cho giải đấu diễn ra vào giữa tháng 3, lộ trình hoàn thiện Robocon của các đội tuyển đã đi được gần hết chặng đường. Đằng sau quá trình đó là niềm đam mê, là sự nỗ lực cố gắng hết sức mình vì khoa học của các “kỹ thuật viên” SDU. Hòa mình vào không khí làm việc khẩn trương của các thành viên đội tuyển, chúng tôi có dịp hiểu hơn về hậu trường sáng tạo robot.
Tại phòng chế tạo, các nhóm sinh viên của các khoa Điện tử - Tin học, Điện, Cơ khí vẫn đang mải mê với công việc. Trong số họ, có những sinh viên đã có kinh nghiệm từ các mùa giải trước và cũng có những sinh viên mới gia nhập đội tuyển lần đầu tiên. Tuy nhiên, các thành viên mới không hề bỡ ngỡ trước công việc sáng tạo robot, bởi với niềm yêu thích robot và kiến thức đã được bồi dưỡng cùng sự đoàn kết của các thành viên trong đội đã giúp các “tân binh” nhanh chóng đi vào quỹ đạo. Điều đặc biệt chúng tôi cảm nhận được ở phòng chế tạo không khí để hoàn thành những robot đang hết sức khẩn chương, tiếng thì thầm trao đổi giữa các thành viên xen lẫn tiếng máy mài, máy cắt, máy khoan, máy hàn cùng ngổn ngang các dụng cụ cần thiết cho việc chế tạo robot. Một số đội đã chế tạo xong, chạy thử và tiếp tục hoàn thiện công nghệ để chuẩn bị thi đấu cấp trường.
Các “kỹ thuật viên” đang hăng say chế tạo robot
Năm nay, chủ đề cuộc thi được các đội tuyển nghiên cứu kỹ lưỡng, ngoài việc rút kinh nghiệm từ mùa thi đấu trước, phần thiết kế kỹ thuật của các đội sử dụng nhiều phần mềm ứng dụng mới. Robot tự động được các sinh viên ứng dụng phầm mềm thiết kế Autocad; Sử dụng vi điều khiển ARM; Động cơ SeVor để bẻ lái cho robot tự động; Sử dụng cảm biến rò đường đọc tín hiệu bằng ADC. Robot bằng tay được điều khiển bằng sóng Bluetooth và sử dụng nguyên lý động cơ máy bay phản lực để làm quạt thổi cho robot tự động. Với sự tìm tòi, sáng tạo, công việc chế tạo, lắp đặt, hiệu chỉnh được thực hiện tuần tự theo các bước. Thời điểm này, các đội đang tiếp tục hoàn thiện, tăng tốc độ để robot được kết quả cao.
Chỉ đạo và hướng dẫn các đội tuyển tham gia chế tạo Robot, Ths. Nguyễn Trọng Quỳnh – Chuyên viên phòng Nghiên cứu khoa học & Hợp tác quốc tế cho biết: Để chuẩn bị cho vòng thi cấp trường diễn ra theo đúng kế hoạch. Các đội đã căn cứ vào mô hình chung để sáng tạo ra sản phẩm riêng cho nhóm mình. Đến nay đang trong giai đoạn nước rút, các đội tuyển sẵn sàng làm việc cả buổi tối để đảm bảo đúng tiến độ. Vòng thi đấu cấp trường được coi là cuộc trải nghiệm đầu tiên trên sân nhà nên các đội tuyển rất tích cực, thể hiện tinh thần và bản lĩnh sẵn sàng để giành chiến thắng tuyệt đối. Tôi hi vọng, với sự chuẩn bị này, cổ động viên sẽ được thưởng thức màn trình diễn ấn tượng của các đội tuyển trong cuộc thi sắp tới”.
Chiến thắng trong vòng thi cấp trường không phải là mục tiêu cuối cùng của sinh viên trường Đại học Sao Đỏ mà chỉ là bước khởi đầu cho Cuộc thi sáng tạo Robot khu vực miền Bắc được tổ chức vào tháng 4/2016 và tiến tới vòng chung kết toàn quốc. Chính vì vậy, sinh viên trong đội tuyển robot nhà trường sẽ phải nỗ lực hơn nữa để đạt được nhiều kết quả trên đấu trường khoa học này.
Ban giám hiệu và các thầy cô giáo cùng toàn thể sinh viên, cổ động viên nhà trường hy vọng, với sự nhiệt tâm của tuổi trẻ, thành viên của các đội tuyển sẽ tiếp bước anh chị đi trước, cùng đoàn kết, sáng tạo để đạt được kết quả cao trong cuộc thi robocon 2016. Ghi thêm những chiến tích mới kỷ niệm 10 năm tham gia Cuộc thi sáng tạo robot.
Tác giả bài viết: Thanh Lan