Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt những giá trị tinh túy trong học thuyết Nho giáo, trong đó Người đặc biệt chú trọng đến chữ “trung”. Theo Người, “trung” là “trung với nước”, là trung thành với lợi ích của quốc gia, dân tộc, với sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Ðảng, với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Quan điểm này có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, góp phần tạo ra những con người xã hội chủ nghĩa đủ đức, đủ tài phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Sinh viên các trường Cao đẳng Nghề ở Đà Nẵng là những người năng động, luôn phấn đấu trong học tập và rèn luyện. Tuy nhiên, vẫn còn một phận không nhỏ sinh viên có thái độ chưa tích cực trong quá trình học tập và rèn luyện, có biểu hiện xem nhẹ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, chạy theo thị hiếu không lành mạnh. Bài viết đã chỉ ra quá trình Hồ Chí Minh tiếp thu, kế thừa và vận dụng sáng tạo chữ “trung” trong quan điểm của Nho giáo vào Việt Nam; qua đó, góp phần nhận thức đầy đủ hơn về sự thể hiện của chữ “trung” trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Bài viết đã nghiên cứu thực trạng và đề xuất một số giải pháp vận dụng chữ “trung” trong giáo dục đạo đức cho sinh viên các trường Cao đẳng Nghề ở Đà Nẵng hiện nay.